Chuyện Năng Khiếu: cô lao công

Năng Khiếu, ngoài những câu chuyện “Olympic Toán quốc tế”, “Cầu truyền hình Olympia”… còn có những câu chuyện đời thường – về những người bình thường – và được viết bởi những người tầm thường.

Niên học cuối cấp, niên học của sự chia tay, cũng là lúc mà các bài hát “Mong ước kỷ niệm xưa”, “Khúc yêu thương” được cất lên nhiều hơn và thống thiết hơn bao giờ hết.

Là niên học của áp lực, ai cũng chú tâm vào việc học tập, hạn chế hoạt động Đoàn Hội hết mức. Tôi lại lao vào ứng cử làm Bí thư. Sau khi trúng cử, tôi chú ý hơn về hành động của bản thân.

Một buổi sáng nọ, tôi có 1 ý tưởng kỳ lạ: “hôm nay tôi sẽ quét lớp”. Tôi không nhớ điều gì đã đưa đẩy mình đến với cái ý nghĩ đó. Chỉ nhớ nó đến rất tự nhiên như thể một buổi sáng thức dậy, bạn quyết định sẽ tự mình pha 1 tách cafe để nhâm nhi, thưởng thức. Và trên thực tế đã xảy ra một sự kỳ lạ hơn thế nữa: “tôi quét lớp từ hôm đó đến hết năm học”.

Có lẽ bạn đang thắc mắc: quét lớp thì có gì kỳ lạ? Thú thật tôi cũng đã từng neo câu hỏi này trong đầu khi mới vào Sài Gòn. Lúc học cấp 2 ngoài quê, học sinh trong lớp đều tự phân lịch trực nhật (dù muốn hay không). Mỗi đứa đều để lại vệt chổi ít nhất 1 ngóc ngách nào đó trong lớp. Vào Sài Gòn rồi tôi mới biết có 1 công việc tên là “lao công”. Không biết những trường khác ra sao, nhưng ở Năng Khiếu, tôi chỉ thấy mấy cô quét dọn thôi.


Nếu tôi nhớ không nhầm thì Năng Khiếu hồi đó có 4 cô lao công luân phiên nhau công việc quét dọn và giữ xe. Trong đó có 1 cô người Nam và 3 cô người Bắc (quê ở Thái Bình thì phải). Tôi thân với 3 cô kia hơn. Thường thì mấy cô quét dọn vào buổi sáng sớm (khi trong lớp lát đát có vài đứa), và đầu giờ chiều (những buổi lớp chỉ học buổi sáng). Không hiểu sao lớp học Năng Khiếu, sau một buổi học là đầy nhốc rác trong học bàn. Nào khăn giấy, nào hộp xôi, nào ly nước… Trong toilet cũng không phải ngoại lệ. Bởi vậy nên khi đi dọn dẹp, thấy mấy đứa bỏ rác bừa, mấy cô hay rầy tụi nó. Tụi nó thấy vậy cũng mặc kệ, bỏ qua chứ không phản ứng gì. Nhưng tôi biết trong lòng tụi nó cũng ấm ức và không ưa gì mấy cổ.


Tôi vẫn quét lớp. Càng quét tôi càng ghét cái bừa bộn, nhổn nhang của những mảnh rác. Có những buổi tôi quét nửa chừng thì cô lao công vào. Cô cảm ơn rồi khăng khăng giành quét “con học bài đi, để cô làm cho”. Nhiều lần như vậy, đặc biệt là những buổi trưa chiều, tôi có những cuộc trò chuyện ngắn về gia đình, công việc của các cô. Chắc có lẽ hiếm hoi lắm mới có sự đồng cảm của đám học sinh, nên mấy cổ kể cũng nhiệt tình lắm. Khi đó, tôi đủ kiên nhẫn để nghe hết những câu than thở của các cô. Từ chuyện mẹ già đến chuyện thằng con trai, chuyện cực khổ mưu sinh…


Có 1 buổi trưa, tôi mua cơm vào, lại bàn ngồi ăn chung với mấy cô. Cô trực phòng y tế đến ăn chung, thấy lạ liền hỏi:

“Em này học lớp nào vậy nhỉ?”.
“Dạ em lớp 12 Toán ạ” – tôi đáp.
“Em này là ngoan nhất trường rồi đấy chị” – một trong số các cô đáp lại. Nghe xong, tôi thấy mát lòng như thể tôi là đứa học giỏi nhất trường hay tôi đẹp trai nhất trường vậy :v.


Sau khi có kết quả thi Đại học, tôi vào lại Sài Gòn. Tôi đạp xe về thăm Năng Khiếu, mang theo vài bịch cốm rang cho mấy đứa bạn thân. Có 1 bịch tôi để dành riêng tặng các cô. Tôi đi lên cầu thang, nom thấy 1 cô đang lau sàn hành lang. Đưa bịch cốm rang cho cô, tôi thấy lòng mình hạnh phúc… Tôi cũng thấy niềm vui hiện lên trên gương mặt lam lũ của cô.